Bí kiếp chụp ảnh | Muốn chụp ảnh đẹp, phải khỏe?

“Trí tuệ và sự sáng tạo đến từ một cơ thể khỏe mạnh.”

Mặc ai nói gì thì nói, nghề chụp ảnh không chỉ là công việc thuần trí lực và sáng tạo mà là một hoạt động thể chất đòi hỏi sự dẻo dai và bền bỉ. Hãy tưởng tượng chúng ta cầm chiếc máy ảnh trong tay, nhập tâm, cả hai hòa làm một như thể chiếc máy đã biến thành một bộ phận nối dài của cơ thể. Bình tĩnh, lạnh lùng tôi hít một hơi thật sâu lấp đầy lồng ngực, các thớ cơ căng lên, mọi khớp xương ở đúng chỗ nó phải ở để tạo ra một trạng thái cân bằng nhất.

Cơ thể chúng ta là một ngôi đền, và từ đó những gì tuyệt vời nhất được tạo ra. Đừng vì giá máy bây giờ rẻ như bèo, thông tin kiến thức nhiếp ảnh nhan nhản trên google cộng thêm truyền thông lá cải tô vẽ về một nghề “màu hồng” với giá vài triệu một bài PR mà nghĩ chụp ảnh là một việc dễ ăn dễ phất. Không, nếu bạn muốn theo đuổi nghệ thuật một cách tử tế. Những nhiếp ảnh gia chiến tranh họ lăn lộn sống còn ngoài chiến trường không khác gì những người lính thực thụ, các nhiếp ảnh gia chụp phong cảnh thế giới (cho Nat Geo chẳng hạn) được gửi đi khắp nơi tận cùng thế giới với điều kiện khắc nghiệt để ghi hình lại những địa điểm mà để khám phá nó, con người cần sức lực và ý chí của những vận động viên leo núi gan góc nhất. Những đám cưới kéo dài 15 tiếng mà tôi và bạn chỉ có 30 phút ngắn ngủi để ăn tạm gì đó lọt dạ. Hay những campaign chụp ảnh cho các hãng thời trang vào mùa cao điểm kéo dài nhiều ngày, mỗi ngày từ sáng sớm đến tối mịt với cường độ cao, áp lực nặng nề.

Không khỏe, liệu bạn trụ được không?

1. Mắt
Cái quan trọng nhất với người chụp ảnh là tầm nhìn, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đôi lúc tôi tưởng tượng nếu mình bị mất một bộ phận trên cơ thể thì thà hỏng gì thì hỏng chứ nhất quyết không được là mắt, thứ giác quan quan trọng với tôi số một. Nhưng đây cũng là bộ phận ít được để ý nhất vì theo lẽ thường, càng những thứ mắt chúng ta nhìn thấy thường xuyên ta càng chú ý chăm sóc nó hơn. Mà mắt thì không nhìn thấy mắt! Trong thời đại kỹ thuật số, đa phần những người chụp ảnh đều phải làm việc trên máy tính lâu không kém trên máy ảnh, lúc này việc để ý đến đôi mắt mình không nên bị coi thường. Dưới đây là những kinh nghiệm của tôi: – Không nên chỉnh màn hình quá sáng, đa phần mắt bị mỏi là do chính người dùng khi thiết lập màn hình của họ hoặc đèn trong phòng quá sáng. Ngoài ra cũng nên chú ý cân bằng tốt tỉ lệ giữa ánh sáng màn hình và ánh sáng phòng làm việc. Màu màn hình ấm sẽ làm mắt lâu mỏi hơn màu lạnh. Tốt nhất là bạn hãy chỉnh lại hết các thông số làm việc của màn hình cho phù hợp với mắt và điều kiện phòng làm việc: độ sáng, độ tương phản, màu sắc, cỡ chữ…

– Nên chủ động chớp mắt liên tục. Cái này cũng là một điều khó với tôi vì khi tập trung vào làm việc thì tôi chẳng để ý gì đến xung quanh nữa là mắt mình. Có lẽ sắp tới tôi phải dán một tờ giấy nhớ lên góc màn hình để nhắc nhở mình.
– Khi làm việc lâu trên máy tính nên thường xuyên giải lao ít nhất bốn, năm phút một tiếng. Lúc này chúng ta có thể tranh thủ các bài tập cho mắt. Một bài tập tôi hay làm đó là nhìn tập trung vào một vật ở gần mắt trong 15 giây rồi lại nhìn một vật ở rất xa trong 15 giây và quay lại nhìn vật ở gần. Lặp lại quá trình trên 10 lần.

– Ánh sáng chói do mặt trời/đèn phản chiếu qua tường bóng hoặc màn hình cũng là một nguyên nhân khiến mắt hay mỏi. Nếu được hãy chọn các loại màn hình có lớp phủ chống chói (anti-glare coating). – Dùng các loại thuốc nhỏ mắt giữ ẩm khi làm việc. – Vị trí và góc độ tương đối của mắt với màn hình. Khoảng cách tối ưu giữa mắt và màn hình là 50 đến 100cm tùy kích thước màn hình to hay nhỏ. Góc độ chuẩn xác là đỉnh của màn hình ở ngang độ cao của mắt hoặc thấp hơn một chút, điểm trung tâm của màn hình tạo với mắt một góc 15-20 độ. – Đắp khăn chườm nóng lên bầu mắt trước khi đi ngủ để kích thích tuần hoàn máu, giãn nở mắt và giúp tuyến lệ hoạt động tốt hơn. – Nên đi kiểm tra mắt tổng quát đều đặn để phòng tránh các căn bệnh tiềm ẩn.

2. Cổ tay

Rất nhiều nhiếp ảnh gia bị hội chứng ống cổ tay (Carpal tunnel syndrome) do phải cầm máy ảnh nặng và sử dụng chuột chỉnh ảnh với cường độ cao trong một thời gian dài.

“Hội chứng này xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép do tổn thương dây thần kinh hoặc dây chằng hoặc cả hai. Dây thần kinh giữa cung cấp cảm giác phía lòng bàn tay của ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, cũng như một nửa bên trong của ngón áp út. Triệu chứng điển hình của hội chứng ống cổ tay là đau, tê ngón trỏ và ngón giữa, yếu ngón cái; có thể thấy đau cổ tay, lòng bàn tay hoặc cẳng tay do dây thần kinh giữa bị chèn ép. Người bệnh nhẹ cảm thấy tê buốt giống như bị kim châm ở bàn tay; nặng hơn thì cảm thấy rất đau ở bàn tay, có khi bỏng rát và nhức nhối cả cẳng tay và cánh tay, tay yếu và tê cứng.” Thật sự tôi rất thích cầm máy nặng, vì bàn tay tôi to nên cảm giác cầm máy nặng khá đầm, tôi có thể cầm một chiếc máy nặng hai cân cả ngày không sao, nhưng đó chỉ là cảm giác của tôi. Còn chiếc cổ tay phải của tôi không nghĩ vậy, dù lúc ấy nó chưa đau nhưng sau này chắc chắn sẽ lãnh đủ hậu quả.

Vậy nên:
– Nên dùng chân máy (tripod, monopod) bất cứ khi nào có thể. Không chỉ giảm sức nặng lên tay mà còn đảm bảo chất lượng hình ảnh sắc nét không bị rung. Những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp về thời trang phong cảnh… họ luôn luôn dùng chân máy như một luật bất thành văn, tất nhiên cũng có ngoại lệ.

– Thay vì dùng chuột hãy chuyển sang graphic tablet của Wacom như ảnh trên đề hậu kỳ ảnh. Từ khi tôi chuyển sang dùng tablet và bút, mỗi lần chỉnh sửa ảnh, đặc biệt là với beauty retouch, bốn năm tiếng làm việc trên máy tính không còn là cực hình nữa mà đơn giản và nhẹ nhàng như ngày đi học chép bài cô giáo giảng. Không những thế, graphic tablet còn giúp tăng tốc độ làm việc của tôi lên hai ba lần – một khoản đầu tư không đắt đỏ nhưng vô cùng đáng giá. – Cũng giống như mắt, hãy cho tay bạn nghỉ ngơi đều đặn khi làm việc lâu. Thỉnh thoảng hay buông thõng bàn tay xuống và lắc nhẹ vài chục lần để cho máu lưu thông. Trước khi đi ngủ có thể mát-xa bàn tay và cổ tay bằng các loại lotion chứa nhiều vitamin E để giúp mạch máu tuần hoàn. – Tập các bài tập fitness chuyên về cổ tay hoặc mua bóp tay mút, bóp tay lò xo tập để tăng cường sức chịu đựng và sự dẻo dai của tay.
– Khi có dấu hiệu đau cổ tay mãn tính hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn chính xác nhất.

4 và 5 là hai cách sắp xếp bàn làm việc với bàn phím, chuột và graphic tablet đúng nhất.

3. Lưng, Vai, Cổ
A/ Mang vác máy khi không chụp như nào là đúng? – Đeo trên cổ? Rất rất sai. Hãy nghĩ đến viễn cảnh đeo một chiếc tạ đơn nặng 2.5 cân quanh cổ và đi lại cả ngày xem, không chỉ cổ tôi bị đau mà còn là vấn đề nghiêm trọng hơn về cột sống. – Cầm trên tay cả ngày? Sai, như chúng ta đã bàn về cổ tay ở trên. – Đeo một bên vai? Hơi sai. Ngay cả một chiếc túi đeo một bên vai tốt đến mấy cũng chỉ thích hợp cho những buổi chụp ngắn, nếu không nó cũng sẽ khiến vai và lưng chúng ta nhức mỏi sau một thời gian dài. – Cho vào ba lô sau lưng? Tạm. Nếu bắt buộc phải dùng ba lô, hãy chọn những loại ba lô có chức năng chia đều trọng lượng ra khắp lưng và hông.

Nếu thi thoảng phải lôi máy ra dùng ví dụ như chụp ảnh cưới hay sự kiện, một hệ thống đeo quanh hông như Spider Holster là cực kỳ thích hợp. Khoa học đã chứng minh tốt nhất nên phân bổ trọng lượng nặng vào hông thay vì vào vai và lưng. Với thiết kế tiện lợi, chỉ cần một tay là ta đã có thể cắm máy vào/rút máy ra nhanh gọn.

Một cách khác để kéo thiết bị của mình từ nơi này đến nơi khác mà tôi rất khuyên các bạn dùng thay cho ba lô là va-li kéo có bánh xe. Cực kỳ tiện lợi, nhẹ nhàng, không tốn sức, không đau lưng, vai, tay mà lại đủ chỗ cho tất cả mọi thứ từ máy ảnh, ống kính, laptop, sạc, tablet.

B/Tư thế chụp ảnh như thế nào là đúng?
– Không mang vác hay đeo bất cứ thứ gì nặng, cản trở sự cơ động của cơ thẻ trong lúc chụp ảnh như ba lô, túi xách… Tất cả sẽ bị tôi vứt hết xuống đất hoặc cho vào va-li kéo.
– Dùng chân máy (tripod, monopod) bất cứ khi nào có thể. – Khởi động các cơ kỹ càng trước và sau mỗi buổi chụp. Hãy coi các buổi chụp ảnh như một buổi tập thể thao vậy, khởi động càng kỹ, nguy cơ chấn thương càng giảm.
– Giữ cho trọng lượng cơ thể ở mức chuẩn. Béo phì và quá cân là nguyên nhân khiến chúng ta hay bị đau lưng khi phải đứng lâu. Tập yoga, pilates hoặc fitness nếu các cơ bắp của bạn quá yếu hoặc thiếu sự dẻo dai cần thiết.
– Luôn giữ cho lưng thẳng, đầu gối chùng, vai thả lỏng, bụng hóp. Với các góc chụp cao hãy dùng thang, đừng cố ưỡn người lên. Với các góc chụp thấp tìm điểm tựa hoặc ngồi trên ghế/bục, đừng đứng khom lưng.

Nếu bạn cứ đứng như này chụp ảnh trong một thời gian dài thì nguy cơ về các bệnh về lưng và cột sống là rất cao. Điều đáng sợ tiếp theo nữa là khi cô gái này ưỡn người lên để tháo dây đeo máy khỏi cổ thì lưng sẽ còn bị uốn cong hơn nữa.

Tư thế làm việc bên máy tính: Lưng thẳng, lưng tạo với bắp đùi một góc 100 độ, bắp đùi tạo với bắp chân một góc 100 độ. Ghế phải có cả điểm tựa cho cả lưng dưới và lưng trên, nếu cần bạn có thể dùng gối đệm thêm vào. Hông và bắp đùi song song với mặt đất, chiều cao của ghế đủ để bàn chân đặt trọn trên mặt đất. Khi làm việc dài nên nghỉ ngắn đều đặn để đi lại co giãn cơ thể.

4. Sống lành mạnh

Cái này thì chắc chắn là dù bản thân làm gì đi nữa thì con người cũng phải cố hướng mình đến. “Sống chỉ có một lần, nên hãy quẩy lên đi”, câu đấy đúng, và tôi cũng không định bảo bạn hãy sống khổ hạnh hay quá kiêng kham. Sống như nào là lựa chọn cá nhân của mỗi người, nhưng mấu chốt của một cuộc sống lành mạnh là sự cân bằng, lệch quá sang một cái gì cũng không tốt. Tôi còn muốn mình có sức khỏe để tận hưởng cuộc sống này dài dài nữa.
Bắt đầu với ăn uống các loại thực phẩm đủ chất, có lợi cho sức khỏe, ngủ nghỉ có khoa học. Điều trên nói thì đơn giản, tra google ở đâu cũng sẵn kiến thức nhưng với người trẻ chúng ta thì thật không dễ duy trì. Thật sự không dễ chút nào. Dù sao đi nữa thì bạn cũng phải tự kỷ luật nghiêm khắc với mình thôi. Không có kỷ luật anh sẽ chẳng đi đến đâu được.

Hai là thể dục, thể thao. Giới trẻ Việt Nam giờ đã có nhiều tiến bộ so với mấy năm trước rồi khi phong trào thể hình khá mạnh nhưng thực sự xét trên mặt bằng chung đa phần vẫn khá lười khoản này. Khoa học đã chứng minh người có sức khỏe thì dễ thành công, mắc ít sai lầm và hạn chế các chấn thương khi sinh hoạt, vận động cuộc sống thường ngày hơn. Không nhất thiết phải tập thể hình, (nhưng nếu bạn tập thể hình thì tôi gợi ý: các bài tập đặc biệt quan trọng với người chụp ảnh là chân, vai, lưng và cổ tay), ngoài ra bạn có thể tập võ, tập yoga, pilates, bóng đá, chạy bộ, đi bộ dài, leo núi… miễn sao phù hợp với điều kiện và sở thích của bản thân. Khỏe không chỉ là cơ bắp, nó còn là sự dẻo dai bền bị chịu được áp lực dồn đến cùng một lúc mà không ngã gục.

Cám ơn các bạn đã xem tin
Theo mannup