Những quy tắc bố cục kinh điển dành cho Nhiếp ảnh phong cảnh

Trong nhiếp ảnh phong cảnh không thể thiếu những cảnh chụp bờ biển, có những quy tắc về bố cục cơ bản sẽ giúp bạn chụp được những bức hình hoàn hảo.

Chúng ta đã nói nhiều đến vấn đề là trong nhiếp ảnh không tồn tại những quy tắc tuyệt đối về bố cục tuy nhiên không thể phủ nhận rằng hầu hết các tác phẩm được đánh giá là đẹp đều có tuân thủ theo những quy tắc nhất định.

Việt Nam tự hào vì có đường bờ biển dài, vì thế không có lý do gì những nhiếp ảnh gia chuyên chụp phong cảnh lại nỡ bỏ qua những địa điểm thiên nhiên tuyệt vời này. Phong cảnh bờ biển có sự kết hợp giữa bầu trời, mặt nước, những con sóng bạc đầu trên bờ cát hay những ghềnh đá…mà nếu có thể bạn sẽ tạo ra một bức hình thực sự ấn tượng.

Trong bài viết này, ad sẽ ưu ái hơn cho những cảnh biển để gửi đến bạn đọc một vài kinh nghiệm về xây dựng bố cục khi chụp ảnh phong cảnh biển. Bài viết được lược dịch từ trang Digital Photography School.

1/ Hãy bắt đầu với những quy tắc cơ bản nhất

Trước khi muốn tạo ra sự sáng tạo bằng việc phá vỡ các quy tắc, bạn hãy cứ nắm vững và làm theo chúng đã. Khi nói đến bố cục trong nhiếp ảnh chúng ta lại phải nhắc đến quy tắc kinh điển: Rule of Thirds – Quy tắc 1/3.

Theo quy tắc này chúng ta sẽ phân chia hình ảnh thành 9 phần bằng nhau, được tạo thành bởi hai đường ngang và hai đường dọc cách đều nhau. Sau đó hãy “sắp xếp” các đối tượng quan trọng trên các đường và tại các điểm giao của các đường.

Làm theo cách này bức ảnh của bạn sẽ có bố cục cân bằng hơn. Nhìn vào hình minh họa dưới đây bạn sẽ thấy, ngon hải đăng được nằm tại một điểm giao còn đường chân trời đang nằm trên một đường ngang, kết quả là một bức hình chụp cảnh biển đẹp và tạo được điểm nhấn.

01

Đặt các yếu tố quan trọng (hải đăng và đường chân trời) nằm theo các đường và tại các nút giao.

02

2/ Chọn những đối tượng chủ đạo

Nếu bạn tuân thủ theo quy tắc 1/3 vừa nói ở trên, bạn sẽ không bao giờ được đặt đường chân trời ở chính giữa của bức ảnh, trừ khi bạn đang có một khung cảnh với sự phản xạ, đối xứng giữa mặt nước với cảnh vật bên trên một cách hoàn hảo.

Đường chân trời nên nằm theo các đường ngang theo quy tắc 1/3, nhưng đặt ở đường ngang nào lại phụ thuộc vào đối tượng chính mà bạn muốn hướng đến. Ví dụ nếu bạn tập trung vào mặt biển thì phần hình ảnh (mặt biển) dưới đường chân trời sẽ chiếm 2/3 của toàn bộ hình ảnh. Như ví dụ dưới đây.

03

Lựa chọn vị trí đường chân trời tùy thuộc vào đối tượng chính mà bạn hướng tới.

04

3/ Lựa chọn độ dài tiêu cự cho phù hợp

Đôi khi bạn có thể cho rằng một độ dài tiêu cự nhất định là hoàn hảo cho những cảnh mà bạn thấy ngay trước mặt. Hãy sử dụng ống kính góc rộng hơn. Ví dụ nếu bạn đang sử dụng một ống kính 24mm, hãy thử với ống 18mm hoặc. Hãy nhớ rằng trong khâu xử lý ảnh hậu kỳ bạn có thể cắt crop hình ảnh 21mm của bạn thành một hình ảnh 24mm, nhưng bạn không bao giờ có thể làm ngược lại.

05

Như hình ảnh này, chụp bằng ống kính 21mm sẽ cho một bức hình hoàn hảo hơn vì đã đặt vào trong khung một đám cây, hoa tăng thêm phần sinh động ở góc dưới bên phải của ảnh.

06

4/ Sử dụng các đường dẫn

Một hình ảnh cũng giống như một cuốn sách vậy, và để thực sự thưởng thức nó bạn sẽ có thể đọc nó từ đầu đến cuối. Để làm điều đó, hãy cố gắng sử dụng những đường cong để hướng mắt người xem. Với cảnh biển bạn có thể sử dụng một con đường hoặc đường cong tự nhiên của bở biển chẳng hạn. Tuy nhiên đường dẫn đó không nên bị gián đoạn bởi nó sẽ giống như bạn đánh mất đi một trang trong cuốn sách đang đọc. Ngoài ra cũng cần tránh để đường dẫn hướng ánh nhìn của người xem ra bên ngoài khung cảnh, hãy tập trung vào đối tượng chính trong ảnh mà bạn muốn làm nổi bật.

07

Các đường dẫn hướng ánh mắt người xem đến ngọn hải đăng.

08

5/ Sử dụng không gian âm

Nhiều người chỉ tập trung vào những chủ thể chính mà quên mất không gian âm. Nói về không gian âm, nhiều khi còn được gọi là “không gian tiêu cực” tuy nhiên chữ “tiêu cực” không thể hiện đúng bản chất vì vai trò của nó hoàn toàn tích cực. Không gian âm không phải là những khoảng trống vô hồn, cũng không nên chỉ hiểu đơn giản là hình nền. Không gian âm có sự liên kết chặt chẽ với chủ đề chính, giúp làm nổi bật chủ đề. Không gian âm có thể kiểm soát sự chú ý, dẫn người xem vào không gian tích cực của bức hình.

09

10

6/ Thể hiện kích thước và quy mô

Nếu trong cảnh biển không xuất hiện con người (có thể ý đồ của người chụp là không muốn cho vào), sẽ tốt hơn nếu bạn bổ sung một số đối tượng vào trong bố cục khung hình. Bạn cần tạo một số điểm nhấn để người xem cảm nhận được về quy mô các đối tượng xa – gần. Khi nhìn vào một hình ảnh, bộ não của chúng ta thường cố gắng để xác định kích thước so sánh qua những chi tiết xuất hiện trong bức hình.

11

12

7/ Hãy cứ thoải mái thể hiện khả năng

Cuối cùng, hãy nhớ rằng mọi quy tắc đều có thể bị phá vỡ khi thực hiện. Ví dụ nếu như bầu trời không thực sự hoàn hảo để áp dụng theo quy tắc 1/3, bạn có thể đặt nó trên dòng kẻ ngang theo quy tắc đó.

13

Trong hình ảnh này, ngọn hải đăng đã không đứng “đúng vị trí” ở đường kẻ dọc phía bên phải nếu áp dụng theo quy tắc 1/3, nhưng tác giả đã phải đặt nó ở đó để lấy được những đường dẫn cùng những con sóng rất đẹp ở phía bên trái của hình ảnh.

14

Một điều chúng ta cần luôn nhớ rằng: Mục đích thực sự của một bức ảnh không phải là để làm theo các quy tắc mà là để khơi dậy cảm xúc trong người xem. Chúc bạn thành công!

Nguồn: Digital Photography School

Biên tập: Phạm Trung Hiếu