Máy ảnh full-frame là gì?

Một trong những thuật ngữ được sử dụng trong máy ảnh số đó là máy ảnh full-frame. Vậy máy ảnh full-frame là gì? máy ảnh full-frame khác gì so với máy ảnh số thông thường? và người dùng sẽ được lợi gì khi chụp ảnh bằng máy ảnh full-frame?

cảm biến full-frame

270415

Cảm biến full-frame của Canon EOS 5D Mark II với 21,1 triệu điểm ảnh hiệu dụng. Ảnh: Anandtech.

Máy ảnh full-frame là gì?

Theo Wikipedia, máy ảnh full-frame là máy ảnh dSLR sử dụng cảm biến ảnh có cùng cỡ như cỡ khung hình film chuẩn 35 mm (36×24 mm), trái ngược với các máy ảnh sử dụng cảm biến nhỏ hơn, đặc biệt là cỡ tương đương với cỡ film APS-C – nhỏ hơn rất nhiều so với khung hình đầy đủ 35 mm.

Hiện tại, phần lớn máy ảnh số, cả compact và dSLR, sử dụng khung hình nhỏ hơn 35 mm vì việc sản xuất cảm biến ảnh nhỏ hơn thì dễ hơn, rẻ hơn.

Cảm biến full-frame là gì?

Có hai thuật ngữ thường được sử dụng khi nói tới kích cỡ cảm biến của máy ảnh số (sensor) đó là cảm biến toàn khung (full-frame) và cảm biến APS-C (Crop). Để xác định đâu là cảm biến full-frame và đâu là cảm biến APS-C, người ta dựa vào khung film tiêu chuẩn của máy ảnh cơ 24mm x 36mm (máy phim 35mm).

cảm biến full-frame

270383

So sánh độ dài đường chéo cảm biến full-frame so với APS-C: 43.27mm : 28.43mm ~ 1.5 lần.

Nếu máy ảnh có kích cỡ cảm biến nhỏ hơn kích thước khung phim tiêu chuẩn 24mm x 36mm thì tỉ lệ nhỏ hơn đó được thể hiện bởi thông số crop factor 1.x. Ví dụ cảm biến APS-C có crop factor là 1.5 có nghĩa là độ dài đường chéo của cảm biến máy ảnh đó ngắn hơn so với độ dài đường chéo cảm biến trên máy ảnh cơ 24mm x 36mm là 1,5 lần.

Ưu điểm của cảm biến full-frame

Như giải thích ở trên, máy ảnh số thông thường dùng cảm biến APS-C có kích cỡ nhỏ hơn so với cảm biến trên các máy ảnh full-frame nên chất lượng ảnh chụp ra cũng kém hơn so với ảnh chụp từ máy full-frame. Lý do là cảm biến full-frame lớn hơn sẽ thu nhiều ánh sáng hơn, khả năng xử lý nhiễu tốt hơn, màu sắc thật hơn so với ảnh chụp từ máy APS-C.

Ngoài chất lượng ảnh chụp vượt trội, máy ảnh full-frame còn có lợi thế hơn so với máy ảnh APS-C ở tiêu cự ống kính không bị thay đổi. Ví dụ cùng với ống kính Canon EF 70-200mm, nếu lắp trên máy full-frame khi chụp sẽ đạt được đúng dải tiêu cự mà nhà sản xuất đưa ra, nhưng với máy APS-C do cảm biến nhỏ hơn nên ảnh cũng nhỏ hơn, độ rộng của khung hình sẽ không bằng máy ảnh full-frame, góc nhìn sẽ tương đương với một ống kính có tiêu cự dài hơn.

Khái niệm thường được dùng trong trường hợp này là tiêu cự tương đương. Tiêu cự tương đương sẽ được tính bằng tiêu cự của nhà sản xuất ống kính nhân với hệ số crop factor 1.x tương ứng, ví dụ với các máy Canon có crop factor 1.6x thì ảnh chụp với ống 70-200 có góc nhìn tương đương ống 112-320mm trên full-frame.

Cần lưu ý là tuy máy ảnh APS-C cho ra ảnh có góc nhìn tương đương ống kính dài hơn trên full-frame, điều đó không có nghĩa là nó cho ảnh có độ phóng to lớn hơn. Ví dụ cùng với ống kính 50mm, máy full-frame và máy APS-C đều cho độ phóng to ảnh như nhau, tức là ở cùng một độ phân giải thì vật thể có kích cỡ bằng nhau, nhưng máy ảnh APS-C sẽ có góc nhìn hẹp hơn.

Cảm biến full-frame cho chất lượng ảnh tốt hơn, màu sắc chân thực hơn nhưng cũng có giá thành sản xuất đắt hơn APS-C nên thường chỉ được trang bị trên các máy ảnh số cao cấp thuộc dòng chuyên nghiệp với mức giá vài nghìn đô trở lên. Một số loại máy ảnh full-frame nổi tiếng như Canon EOS 5D Mark II, 5D Mark III, Nikon D800, Nikon D4…

Chí Thành